Không nên đánh thức trẻ dưới 2,5 tuổi khi đang ngủ vì có thể làm 'hỏng' não bộ của bé
Cha mẹ được khuyến cáo không nên đánh thức con dậy khi bé đang ngủ, nhất là với trẻ dưới 2,5 tuổi.
Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp tăng cường hệ miễn dịch, điều chỉnh các hormone, tái tạo năng lượng… Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, giấc ngủ còn liên quan đến việc phát triển não bộ nên cha mẹ càng phải thận trọng khi đánh thức con dậy.
Theo nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học Mỹ đăng trên tạp chí Science Advances, giấc ngủ ở trẻ dưới 2,5 tuổi có vai trò đặc biệt, khác rất nhiều so với giấc ngủ ở các lứa tuổi khác. Theo đó, việc đánh thức trẻ khi đang ngủ là một điều vô cùng nguy hiểm.
Vì trước hai tuổi rưỡi, giấc ngủ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng não bộ của trẻ. Sau hai tuổi rưỡi và cho đến cuối đời, giấc ngủ sẽ chuyển sang "duy trì và sửa chữa" não bộ.
Thường giấc ngủ chia làm 5 giai đoạn
Giai đoạn 1: Ru ngủ
Giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng 3 - 15 phút tính từ thời điểm bắt đầu nhắm mắt ngủ. Trong giai đoạn này, ở một số người có thể xảy ra hiện tượng bị co giật đột ngột, cảm giác chới với giống như bị rơi.
Giai đoạn 2: Ngủ nông
Giai đoạn này chiếm khoảng 50% tổng thời gian ngủ. Lúc này, mắt ngừng chuyển động và hoạt động của não trở nên chậm hơn.
Giai đoạn 3: Ngủ sâu
Giai đoạn ngủ sâu chỉ chiếm khoảng dưới 10% tổng thời gian ngủ, đóng vai trò chuyển tiếp giữa ngủ nông và ngủ rất sâu.
Giai đoạn 4: Ngủ rất sâu
Giai đoạn này chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ, là giai đoạn quan trọng bởi cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Bị đánh thức ở giai đoạn này, chúng ta có thể cảm thấy mất phương hướng thoáng qua trước khi mọi hoạt động ổn định trở lại.
Giai đoạn 5: Ngủ mơ
Giai đoạn ngủ mơ còn được gọi là REM (rapid eye movement), chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Đây là giai đoạn thường xuất hiện những giấc mơ. Nếu thức dậy ở giai đoạn này, chúng ta có thể nhớ được những giấc mơ. Thường cuối giai đoạn REM, cơ thể có thể tạm thức giấc trong vài phút sau đó sẽ lặp lại chu kỳ giấc ngủ.
Theo các nhà khoa học, trước hai tuổi rưỡi, não bộ trẻ phát triển rất nhanh. Khi những giấc mơ sống động xảy ra trong giai đoạn REM thì cũng là lúc não trẻ xây dựng và củng cố các khớp thần kinh, là cấu trúc kết nối các tế bào não.
Điều đó cũng giải thích tại sao cơ thể trẻ sơ sinh lại dành đến 50% thời gian cho giai đoạn REM. Con số này giảm xuống còn 25% ở trẻ 10 tuổi và tiếp tục giảm dần theo độ tuổi.
Nhiều cha mẹ thường lo ban ngày con ngủ nhiều, ban đêm sẽ khó ngủ, ngủ ít nên thường tìm cách đánh thức hay cắt ngang giấc ngủ ban ngày ở trẻ. Đây chính là một sai lầm nghiêm trọng. Vì nếu đánh thức trẻ trong giai đoạn ngủ REM (dù là ngủ ngày hay ngủ đêm) thì đều ảnh hưởng, làm gián đoạn việc xây dựng cấu trúc não bộ ở trẻ.
Sau hai tuổi rưỡi, mục đích chính của việc ngủ nghỉ sẽ chuyển sang sửa chữa não bộ, duy trì hệ miễn dịch, thúc đẩy sự sinh trưởng…
Sưu tầm