Để đối phó với đợt rét kỷ lục sắp tới, bố mẹ cần nắm rõ các nguyên tắc trong việc giữ ấm để có thể đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ.
Theo nguồn tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, một đợt không khí lạnh đã tràn xuống miền Bắc gây rét đậm, rét hại được nhiều chuyên gia dự đoán là mạnh nhất trong mùa đông năm nay, thậm chí có thể gần bằng đợt siêu không khí lạnh xảy ra năm 2016, với mức nhiệt phổ biến tại các tỉnh miền Bắc về đêm dao động trong khoảng từ 7-9 độ C và mức nhiệt trung bình ban ngày chỉ chừng 15-18 độ C; riêng vùng núi cao, nhiệt độ có thể xuống dưới 3 độ, có nơi 0 độ.
Với mức nhiệt này, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, ngoài yếu tố dinh dưỡng, các bố mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các vấn đề giữ ấm cơ thể cho trẻ.
Theo BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh) trời lạnh chủ yếu gây ra các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, ho, sổ mũi, hen suyễn,…
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng cho biết, trung bình mỗi năm số lượng trẻ nhập viện vì các chứng bệnh viêm đường hô hấp phổ biến như: viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi,… tăng lên tới 30-40% sau mỗi đợt rét đậm rét hại.
Do vậy, giữ ấm cơ thể cho trẻ để hạn chế tối đa khả năng mắc các bệnh này ở trẻ là điều cần thiết. Tuy nhiên, khái niệm "giữ ấm cho trẻ" thế nào là đúng thì hẳn nhiều người còn chưa biết và cho rằng chỉ cần mặc thật nhiều quần áo là đủ mà không biết rằng, đây chính là sai lầm thường gặp nhất trong quá trình chăm sóc trẻ vào những ngày lạnh của các bố mẹ.
Không cần ủ ấm quá kỹ, chỉ cần giữ ấm đủ 4 "vị trí vàng" này!
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, lời khuyên cho các bố mẹ trong việc giữ ấm cơ thể cho trẻ chính là luôn mặc vừa đủ cho trẻ khi ở trong phòng và mặc nhiều lớp áo khi ra ngoài, đề phòng trường hợp khi trẻ cảm thấy nóng hoặc ra mồ hôi có thể cởi bỏ từng lớp áo, tránh để xảy ra tình trạng ra mồ hôi, dễ nhiễm cảm và các bệnh về đường hô hấp khác.
Song PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, một điều quan trọng bố mẹ cần chú ý hơn cả chính là cần đảm bảo luôn giữ ấm đủ các vị trí: Bụng, chân, tay và lưng.
Bên cạnh đó, BS. Trương Hữu Khanh lưu ý, trong những ngày nhiệt độ giảm sâu, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài. Đối với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài cần giữ ấm đầu, cổ, bàn chân và đặc biệt không để trẻ hít trực tiếp không khí lạnh vào phổi.
Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe trẻ ngày rét đậm, rét hại
Ngoài sai lầm ủ ấm quá kĩ cho trẻ trong ngày lạnh, nhiều cha mẹ còn kiêng không tắm cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng và BS. Trương Hữu Khanh cho biết, các bố mẹ vẫn nên duy trì vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng nước nóng nhằm hạn chế tích tụ vi khuẩn trên da gây ra hiện tượng ngứa ngáy và các vấn đề khác về da.
Trời lạnh, các mẹ có thể cho trẻ tắm cách 1-2 ngày. Tuy nhiên, vào những ngày không tắm, mẹ hãy dùng khăn ấm lau người, lau kỹ nách, bẹn, rửa sạch phần phụ để trẻ sạch sẽ.
Bên cạnh đó, BS. Trương Hữu Khanh cũng đưa ra một số gợi ý trong việc vệ sinh cơ thể cho trẻ như sau:
- Trước khi tắm cho trẻ cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết như: xà phòng, dầu tắm, dầu gội, khăn, quần áo,…
- Nên tắm cho trẻ trong phòng kín, nếu có điều kiện có thể bật lò sưởi làm ấm phòng trước khi tắm cho trẻ.
- Khi tắm cần thực hiện nhanh các thao tác và nhanh chóng lau khô người cho bé, ủ ấm, mặc quần áo và không đi ra ngoài ngay. Có thể tắm từng vùng, không nhất thiết phải cởi bỏ toàn bộ quần áo rồi mới tắm.
Ngoài ra, sau khi tắm, bố mẹ có thể dùng các loại kem giữ ẩm thích hợp khi da khô và các loại kem dưỡng môi phù hợp dành cho trẻ em vì tắm bằng nước nóng sẽ dễ dẫn tới khả năng bị khô da.
Không chỉ thế, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng nói thêm, để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ, ngoài các hoạt động thể chất, bố mẹ cũng nên tăng cường bổ sung các loại thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, thức ăn mềm và cho trẻ ăn nhiều các loại hoa quả. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tác dụng của việc cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc và bú đủ sữa chính là cách phòng bệnh tốt nhất đối với trẻ.
Sưu tầm